Bài chòi Huế

Bài chòi Huế

Bài chòi Huế

Huế xưa và nay – Tết đến, thú vui được người Huế nói riêng, người Việt nói chung, quan tâm nhiều nhất là các trò cờ bạc, đỏ đen, dưới nhiều hình thức khác nhau. Một trong những trò chơi đó là bài chòi.
 
   Bài chòi có mặt ở nhiều tỉnh miền Trung trong những ngày Tết và mỗi nơi có một lối chơi riêng, mang truyền thống của từng vùng đất. Ở Huế, lối chơi bài chòi có nét khác biệt so với lối chơi bài chòi ở Bình Ðịnh và Quảng Nam. Sự khác biệt ấy thể hiện ở nội dung câu hò, điệu hò, ở số người tham dự và số lần chơi trong một cuộc bài. Người ta đến với bài chòi trong dịp năm mới không phải vì say mê trò sát phạt, mà chỉ là dịp để thử vận hên xui trong ngày đầu năm và để được đắm mình trong không khí rộn ràng, đầy lạc thú từ những điệu hò dí dỏm, những giọng cười sảng khoái và cả niềm hy vọng thắng cuộc nho nhỏ mà trò chơi này mang lại.
    Trò chơi bài chòi dựa trên một bộ bài gồm 30 cặp quân bài mà người Huế quen gọi là bài tới. Cũng như những nơi khác ở miền Trung, bộ bài tới ở Huế có ba pho: văn, vạn, sách và ba cặp bài yêu. Pho văn gồm các con bài: gối, trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn có các con bài: học trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bồng, thầy. Pho sách có các con bài: nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ. Ba cặp bài yêu là: ông ầm, thái tử, bạch tuyết. Các con bài được in trên giấy bản dài 12cm, rộng 3cm, rồi phết lên giấy cứng một mặt nhuộm xanh hoặc đỏ. Tên gọi và hình vẽ các con bài rất lạ lùng và kỳ bí. Có người cho là các hình vẽ này vừa mang dấu ấn của bùa chú, vừa phảng phất nét u uất của văn hóa Champa, lại vừa pha phách những kiểu thức trang trí của người Thượng. Người ta khắc hình lên khuôn gỗ, bôi mực lên và in. Ðó cũng là một lối in tranh trên giấy dó mà người dân ở làng Sình, một làng ngoại ô ở phía đông bắc kinh thành Huế, dùng để in tranh thờ cúng, bán trong các dịp lễ Tết, cúng giỗ. Nhiều ý kiến cho rằng bộ bài tới và lối chơi bài chòi có gốc gác từ Bình Ðịnh, nơi trò chơi này rất phổ biến và các điệu hò bài chòi vô cùng phong phú.

Các mệ đi phát bài ở hội bài chòi

   Tết đến, trên khoảng sân rộng trước đình làng hay ở nơi họp chợ của một làng quê, người ta dựng lên mười một cái chòi bằng tranh tre. Chính giữa là một chòi lớn hình lục giác dành cho những người tổ chức cuộc chơi, gọi là chòi trung ương. Hai bên chòi trung ương có mười chòi nhỏ, mỗi phía năm chòi, là nơi các chân bài ngồi dự cuộc chơi. Vào cuộc chơi, một người trong ban tổ chức giữ chân chạy cờ, thường được gọi là anh hiệu, gióng một hồi trống, dõng dạc mời các tay chơi lên chòi, cùng lúc ban nhạc gồm kèn, trống, đàn nhị, sênh… cử một bản hòa tấu mở đầu cuộc chơi. Anh hiệu buông dùi trống, vội vàng đem cờ ngân – cờ thay thế cho số tiền đặt cược trong một hội – đi bán cho mỗi chủ chòi. Bán xong cờ ngân đến lượt hai người phụ việc mang một ống tre đựng các con bài đến các chòi để mời chủ chòi lấy năm con bài. Người ta dùng bộ bài tới gồm 56 con bài (không sử dụng hai cặp bạch tuyết và nọc đượng). Các con bài được dán vào một thẻ tre có phần trên to và dẹp, phần dưới nhỏ và tròn. Mỗi chòi, kể cả chòi trung ương đều được 5 thẻ, cònmột thẻ dùng cho anh hiệu đi chợ – mở đầu cuộc chơi. Phát xong bài xong, người chạy cờ đằng hắng một tiếng rồi hô: “Hai bên lẳng lặng mà nghe con bài đi chợ: con…” Anh ta xướng tên con bài đi chợ bằng tiếng ngân dài chen lẫn tiếng trống gõ, tiếng đàn cò réo rắt. Người nào có con bài thứ hai đúng với tên con bài đi chợ vội vã hô lên và rút kèm một con bài khác đưa cho anh chạy cờ.
Con bài tới
   Rồi một câu hò khác được vang lên. Cứ như thế cho đến khi có người gõ lên cái mõ tre treo cạnh chòi mình, miệng hô lớn: “Tới rồi! Tới rồi!”, để thông báo con bài mà anh hiệu vừa hò trùng với con bài cuối cùng trên tay mình, nghĩa là đã có người thắng cuộc, thì ván bài kết thúc. Người chạy cờ vội vã mang đến cho chòi của người vừa tới một lá cờ đuôi nheo, giắt lên mái chòi, để cho nó bay phần phật trong làn gió xuân ấm áp, rồi bắt đầu ván khác. Người ta chỉ chơi 10 ván là xong một hội. Phần tiền của ván thứ 11 là phần thưởng cho ban tổ chức. Kết thúc một hội, người ta mang các lá cờ ngân đến bán lại cho chòi trung ương để lấy tiền. Ðược một cờ coi như huề (hòa) vốn. Hai, ba cờ trở lên coi như vận đỏ đầu năm đã đến gõ cửa. Cái hấp dẫn của thú chơi bài chòi là ở giọng hò của anh hiệu. Ðó phải là một người thật vui, thật tếu, giỏi ứng đối mới điều khiển nổi trò vui này. Anh ta là linh hồn của cuộc vui, vừa là người bày trò, kiêm luôn diễn viên hát tuồng để mua vui cho mọi người. Vì lẽ đó mà sân đình khi có hội bài chòi luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng nhạc vang xa đến tận thôn cùng ngõ hẻm, đủ sức hấp dẫn các cụ ông cụ bà, đám trẻ con, người lớn đến với cuộc vui này.
Theo Trần Đức Anh Sơn (Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế)