Huế xưa và nay- Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của Huế. Chùa Thiên Mụ được xây dựng trên đồi Hà Khê thuộc địa phận xã Hương Long, cách trung tâm thành phố 5km về phía Tây.
Sự tích của danh lam này mang tính chất huyền thoại: Truyền rằng có một bà tiên đã hiện ra trên đồi Hà Khê báo cho dân trong vùng biết sẽ có một vị chân chúa đến dựng chùa thờ Phật ở đây tụ linh khí cho bền long mạch. Từ đó ngọn đồi này được gọi là núi Thiên Mụ. Năm 1601, Nguyễn Hoàng (quan trấn thủ Thuận Hóa và lá chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng trong), đi qua vùng này nghe dân chúng kể lại truyền thuyết, tự cho mình là chân chúa nên đã ra lệnh mở rộng qui mô xây dựng chùa và đặt tên là chùa Thiên Mụ. Đến đời Tự Đức (1847-1883) chùa đổi tên là chùa Linh Mụ.
Năm 1665 chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa. Tháng tư năm Canh Dần (1710) chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc một quả chuông lớn đường kính 1,4m; cao 2,5m; nặng 3.285 cân. Đây là một quả chuông lớn nhất ở Huế. Chúa đích thân làm bài văn cho khắc vào bia. Năm 1714 – 1715, chùa được trùng tu và mở rộng, xây thêm hàng chục công trình mớ. Phúc Chu tự làm một bài ký để ghi công đức của mình trong việc chấn hưng đạo Phật… cho khắc vào một tấm bia lớn cao 2,6m, rộng 1,2m dựng trên lưng con rùa bằng đá cẩm thạch được trạm trổ tinh vi. Trong các thế kỷ XVIII, XIX chùa Thiên Mụ là một quần thể kiến trúc tôn giáo đồ sộ nguy nga với nhiều điện thờ, nhà bia, đình tạ, lầu gác… Nhiều đời chúa và vua Nguyễn đã trùng tu, sửa sang, tôn tạo thêm vẻ nguy nga, đồ sộ của Thiên Mụ.
Chùa Thiên Mụ nhìn từ bờ sông
Những năm chiến tranh cuối thế kỷ XVIII, cảnh chùa bị tàn phá nặng nề. Nửa đầu thế kỷ XIX, năm 1815 và năm 1831 vua Gia Long và vua Minh Mạng cho trùng tu, sửa sang chùa đẹp hơn. Năm 1844 vua Thiệu Trị cho dựng thêm ngoài cửa Nghi Môn một cái tháp hình bát giác cao 21,24m gồm bảy tầng, mỗi tầng thờ một đức Như Lai, tầng trên cùng thờ đức Thế Tôn. Ngày ấy, các tượng thờ đều được đúc bằng vàng sau này thay bằng tượng đồng. Vua đặt tên tháp là Từ Nhân, sau đổi là tháp Phước Duyên. Trước tháp nhà vua cho dựng đình Hương Nguyện và hai nhà bia ở hai bên. Bia bên tả khắc nhiều bài thơ của vua, bia bên hữu ghi nội dung kiến trúc tháp Phước Duyên và đình Hương Nguyên.Năm 1907 chùa lại được trùng tu nhưng quy mô không to lớn như trước. Toàn bộ khuôn viên của chùa nằm trên một khu đất bằng phẳng hình chữ nhật với chiều dài 280m, chiều rộng 100m. Xung quanh được bao bọc bởi tường xây bằng đá. Trước mặt chùa là khúc quanh rất hữu tình của dòng Hương Giang. Bố cục mặt bằng của chùa được chia làm hai khu vực: phía trước là nơi có những công trình mang tính chất lưu niệm như chuông đồng, bia đá, tháp gạch (trước cửa Nghi môn là đình Hương Nguyên nay chỉ còn lại nền đất và bộ móng xây bằng đá thanh), tháp Phước Duyên, lầu bia, lầu chuông… Khu vực phía sau cửa Nghi Môn gồm các điện thờ Phật (điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Am) và các nhà trai, nhà khách, vườn ho, phía sau cùng là vườn thông u tịch.
Tháp Phước Duyên – chùa Thiên Mụ
Từ bốn thế kỷ nay, chùa Thiên Mụ với tiếng chuông sớm chiều ngân nga, vang vọng, những cảnh đẹp tuyệt vời trong bình minh, hoàng hôn hay những đêm trăng thanh, gió mát đã tượng trưng cho vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng của xứ Huế. Tiếng chuông chùa đã đi vào câu ca dao, điệu hò, để lại trong lòng người Huế và bạn bè gần xa thiết tha với Huế.
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”
Theo Lê Văn Phúc (Huế – Di tích lịch sử – Văn hóa – Danh thắng)
Discussion about this post