Cửu vị thần công

Cửu vị thần công

Cửu vị thần công

Cửu vị thần công là tên gọi của chín khẩu súng đại bác được đúc dưới thời vua Gia Long. Trong hàng chục khẩu súng thần công bằng đồng được đúc dưới thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn, chín khẩu súng đúc thời Gia Long có kích thước lớn nhất và được trang trí đẹp nhất.

Sau khi đã đánh đổ vương triều Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long hạ lệnh tập trung các khí mảnh bằng đồng tịch thu được của triều đại này đem nấu chảy và đúc thành 9 khẩu súng lớn để “làm kỷ niệm muôn đời”. Quốc sử triều Nguyễn cho biết bộ đại bác này được đúc tại Huế trong vòng 12 tháng, từ tháng 2 -1803 đến tháng 1 – 1804. Lính thợ ở bộ Công và binh sĩ ở bộ Binh tiến hành công việc này. Tên mỗi khẩu đại bác được đặt trước, gọi heo tên bốn mùa (tứ thời) trong năm là Xuân, Hạ, Thu, Đông và năm yếu tố tự nhiên (ngũ hành) là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; rồi khắc thành chữ ở nuốm từng đuôi súng. Năm 1816, chín khẩu súng này còn được triều đình Gia Long tặng thêm tên mới là “Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Công Cửu Vị”. Bảy chữ đều được khắc trên mỗi khẩu súng.

Cửu vị thần công ngày xưa

Chín khẩu súng đều có kích thước và trọng lượng rất lớn. Chiều dài mỗi khẩu súng là 5,10m, đường kính nòng 0,23m, nòng dày 0,105m, phía sau đo vòng quanh được 2,6m, trọng lượng trung bình mỗi khẩu là 11.000kg. Mỗi khẩu súng được kê trên cái giá bằng gỗ chạm trổ rất công phu. Hai bên giá có 4 bánh xe bằng gỗ viền sắt để tiện cho việc di chuyển. Thân súng có khắc chữ, khắc hoa văn trang trí. Ngoài tên súng, niên đại năm Gia Long thứ 3 (1804), thân súng còn được khắc trọng lượng từng khẩu theo đơn vị cân ta (khẩu nặng nhất 18.400 cân, khẩu nhẹ nhất 17.200 cân). Đối xứng với mỗi chỗ ghi trọng lượng trên mỗi khẩu còn có một bài văn ngắn nêu lý do đúc súng, cách chế thuốc đạn để bắn. Ngoài ra, có các hoa văn trang trí bằng hoa, lá và có gắn hai quai lớn hình hai con lân rất tinh xảo. Trên súng cũng khắc tên những người điều khiển thi công đúc các khẩu súng này là Đô thống chế Nguyễn Văn Khiêm, cai cơ Hoàng Văn Cẩn, cai cơ Cái Văn Hiếu và Tham tri bộ công Phan Tiến Cẩn.

 

Họa tiết hoa văn trên các khẩu thần công

Dưới thời vua Gia Long, Cửu Vị thần công được chia thành hai nhóm đặt hai bên mặt trước cửa chính của Hoàng thành (Ngọ Môn), nhóm “tứ thời” đặt bên trái, nhóm “ngũ hành” đặt bên phải. Tất cả đều được bảo vệ trong dãy pháp xưởng. Năm 1896 nhóm bên phải được chuyển qua đặt cùng dãy với nhóm bên trái (theo Đại Nam nhất thống chí). Năm 1916 Cửu Vị thần công được dời ra đặt ở vị trí hiện nay, phía sau hai cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn) và Quảng Đức (cửa Sập) của kinh thành Huế.

Cửu Vị thần công ngoài ý nghĩa lịch sử, còn mang giá trị nghệ thuật cao. Nó chứng tỏ kỹ thuật đúc đồng, nghệ thuật trang trí và chạm khắc trên súng, trên giá súng đều rất điêu luyện, tinh xảo. Đây là những khẩu súng thần công lớn nhất của nước ta, một trong những bộ tác phẩm bằng đồng có giá trị của dân tộc. Chín khẩu đại bác to lớn này chưa một lần dùng để bắn; vua quan triều Nguyễn dùng để trang trí cho bộ mặt Đại Nội thêm uy nghi và dùng để làm kỷ niệm như Gia Long từng nói.

Theo Lê Văn Phúc (Huế – Di tích lịch sử – Văn hóa  – Danh thắng)