Đầm Chuồn (Đầm Cầu Hai) – Chốn lạ Huế Xưa

Đầm Chuồn - Huế

Đầm Chuồn - Huế

Nét đẹp mỏng manh, duyên dáng của Huế luôn làm xuyến xao bao trái tim dòng dõi Lạc Hồng, để rồi một ngày mai khi đôi chân thèm khát hương vị yên bình nhẹ nhàng nơi cố đô, lại tiếp tục xuôi về miền đất ấy để khoan thai thả hồn vào chốn bình yên. Trong những điểm nhấn nhá tạo nên phong vị của Huế, không thể bỏ qua tuyệt cảnh trữ tình như tranh của đầm Chuồn, nơi in dấu vẻ đẹp huyễn hoặc mê động lòng người nổi danh xứ mộng mơ.

Đã bao lần đến với Huế mộng mơ
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt

 

Phong cảnh như tranh vẽ ở đầm Chuồn, nét chấm phá xứ mộng mơ – Ảnh: TBone Lê

ĐƯỜNG VỀ ĐẦM CHUỒN, TRẦM MẶC DÁNG DẤP PHỐ CỔ

Đầm Chuồn (còn được gọi bằng cái tên khác là đầm Cầu Hai), đây là phần lớn nhất trong hệ thống đầm phá Tam Giang mà dân gian ngày xưa vẫn có câu:

Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

 

Hệ đầm phá Tam Giang lưu truyền trong ca dao – Ảnh: Tam Duy

Đầm Chuồn cách thành phố trung tâm Huế khoảng 10 km về phía Nam thuộc huyện Phú Vang. Do vậy, đường đi du lịch đến Đầm Chuồn rất dễ dàng, chỉ cần theo quốc lộ 49 hướng về An Truyền, qua cầu Tư Hiền sẽ đến nơi. Để tiện cho việc ngắm nhìn quang cảnh trầm mặc của phố cổ thành đô, du khách nên di chuyển bằng xe máy, vì ở đây là thành phố du lịch nên dịch vụ cho thuê xe máy trong ngày với giá 100.000 – 120.000đ/ngày rất phổ biến.

 

Cầu Diên Trường – Thuận An trên quốc lộ 49 xuôi về đầm Chuồn – Ảnh: Che Trung Hieu

 

Đầm Chuồn mênh mông giữa mây trời dần dần hiện ra – Ảnh: xomnhiepanh

TRẢI NGHIỆM CÙNG ĐẦM CHUỒN LÚC NÀO LÀ ĐẸP NHẤT?

Đầm Chuồn mênh mang sóng nước, điểm xuyến những chiếc thuyền ngư phủ nhỏ bé làm say đắm bất kỳ ai đã một lần ghé thăm. Đầm Chuồn đỏ rực lúc bình mình, chói chang cái nắng vàng buổi trưa và nhuốm màu tím hoàng hôn đang hững hờ buông từng luồng ánh sáng yếu ớt chiều tà xuống mặt nước rộng lớn, Đầm Chuồn yên tĩnh nhẹ nhàng theo làn hơi nước mỏng manh từ lòng phá quyện vào cơn gió trời thoảng qua trong màn đêm cô tịnh. Có thể thấy, bất kỳ thời điểm nào trong ngày, Đầm Chuồn cũng mang một nét quyến rũ thực bình dị lay động tâm hồn du khách thập phương.

 

Một ngày mới sắp bắt đầu vùng đầm phá – Ảnh: break-away

 

Mặt nước trong xanh phản chiếu quang cảnh bình minh như một tuyệt tác – Ảnh: TBone Lê

 

Và hoàng hôn tím ngắt bao trùm lên cả không gian đầm Chuồn – Ảnh: Hoàng Nguyên

 

Về Đầm Chuồn từ tháng 4 đến tháng 7, du khách còn được hòa vào không khí rộn ràng của mùa thu hoạch hải sản trên đầm và tham gia lễ hội rước Tổ làng Chuồn vào ngày 15, 16 và 17/07 âm lịch hàng năm. Cảnh ngư dân quăng chài kéo lưới giữa hồ, cảnh bắt cua ốc tay chân lấm lem bùn lầy, cảnh mua bán tấp nập nơi làng quê nhỏ, cảnh trẻ con đùa vui làm nước bắn tung tóe lên người, ấy đều là những thước phim đẹp nhất mà nếu bỏ qua, hẳn sẽ là một thiếu sót lớn.

Ngư dân quăng lưới bắt đầu thu hoạch mùa vụ – Ảnh: Hoàng Nguyên

Làm việc cần mẫn cả ngày trên sông nước – Ảnh: Hai Thinh

 

Cùng tham gia vào lễ hội rước Tổ làng Chuồn – Ảnh: Pham Ba Thinh

 

VỀ ĐẦM CHUỒN, DỪNG CHÂN NGHỈ TRỌ Ở NƠI MÔ?

Đối với nhiều dân phượt, đầm Chuồn được mệnh danh là điểm đến 3 trong 1 hành trình: là nơi chơi được, ăn được và ngủ lại được. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm ở trọ “miễn phí” trong nhà chồ – nét chấm phá miền sông nước đầm Chuồn. Nhà chồ là loại nhà tạm bợ được xây dựng ngay trên sông, thường được ngư dân ở đây làm nơi trú chân khi mỏi mệt. Du khách có thể dừng chân nơi này để thưởng thú cảnh đêm Đầm Chuồn mà không cần mất phí.

Nhà chồ ngay lòng đầm là nơi dừng chân lý thú cho du khách qua đêm – Ảnh: Huy Tuan Le

Cận cảnh ngôi nhà chồ tại đầm Chuồn – Ảnh: Cindy

Với những ai yêu thích cảm giác ngả lưng vào mạn thuyền lênh đênh sóng nước ngắm nhìn bầu trời lấp lánh những vì sao khuya và hưởng trọn mùi vị đặc trưng của đầm phá như một ngư dân thực thụ thì ngủ trên thuyền, ghe là lựa chọn lý tưởng.
Bên cạnh đó, hiện nay dịch vụ du lịch cũng được người dân bản địa chăm chút nên sẽ không quá khó khăn cho du khách tìm đến phòng nghỉ tiện nghi, sạch sẽ hơn.

Du khách cũng có thể chọn ngủ ngay trên thuyền đò chiêm ngưỡng khung cảnh về đêm ở đầm Chuồn – Ảnh: Kyanh

THAM THÚ CẢNH ĐẸP NHƯ TRANH VẼ Ở ĐẦM CHUỒN

Đầm Chuồn có diện tích lên đến 100ha, do đó du khách sẽ được hòa mình vào không gian của một đại dương thu nhỏ giữa lòng cố đô Huế.
Đứng ở bất kỳ vị trí nào của đầm Chuồn, du khách cũng sẽ phóng được tầm mắt trải dài trên khắp không gian bạt ngàn của mặt đầm, những chiếc cọc chắn lối hay những ngôi nhà chồ cô độc nhỏ bé tạo nên nét chấm phá độc đáo cho bức tranh toàn mỹ mà thiên nhiên đã ban tặng.

Đứng ở đâu cũng cảm nhận được sự rộng lớn của đầm Chuồn – Ảnh: Huyco

Hàng cọc giăng trên đầm hay chiếc vó cũng trở thành điểm nhấn thú vị – Ảnh: Huy Tuan Le

Đầm Chuồn từ lúc bình minh hay đến chiều tà đều mang lại những gam màu sắc khác nhau khiến cho một ngày lênh đênh trên phá không hề mất đi cảm giác thi vị. Và cảnh ngư dân giăng lưới, cảnh buôn bán nhộn nhịp từ trên thuyền đò đến chợ đều mang lại một cảm giác thanh bình, nhẹ nhàng lạ.

Đầm Chuồn thức giấc trong bình mình – Ảnh: TBone Lê

Cảnh làm việc trên đầm Chuồn – Ảnh: Trongnghi

Xuôi về con đường cũ, du khách còn có thể ghé thăm đình làng Chuồn (Đình làng An Truyền), đình Thành Hoàng ở Đồng Miệu, nhà thờ họ Hồ, lăng cụ tổ họ Hồ – những nơi lưu giữ nét văn hóa tâm linh của xóm vạn đò hay tiếp tục hành trình khám phá cửa Tư Hiền (cũng thuộc hệ đầm phá Tam Giang), khu ga Đá Bạc, chùa Túy Vân, chợ nổi Vinh Hiền để cảm nhận hết vẻ đẹp của miền sông nước đầm phá nơi trầm mặc cố đô.

 

Đình làng Chuồn, nơi lưu giữ nét văn hóa tâm linh của xóm vạn đò – Ảnh: Thanh Ngô

 

Đình Thành Hoàng ở Đồng Miệu (thuộc địa phận làng Chuồn) nhỏ bé trước thiên nhiên – Ảnh: Quang-gent

MÃN VỊ VỚI MÓN NGON ĐẦM CHUỒN

Thú nhất khi đến đầm Chuồn là cùng dân làng đi bắt cá, cào lươn rồi tự thưởng cho mình thành quả lao động sau những giờ phút hòa cùng không khí làm việc trên mảnh đất thanh bình tự tại đậm chất ngư dân.

Đầm Chuồn có hàng trăm loài cá, nhiều loài tôm, ghẹ, cua, sò, ốc,… như lời mời gọi hấp dẫn. Trong đó, có năm loại cá nổi tiếng là cá ong, cá dìa, cá mú, cá nâu và cá kình mà đến đây du khách không thể không nếm thử. Giá cả ở đây cũng cực kỳ “hữu nghị”, trung bình mỗi ký ghẹ to sụ chỉ có 100.000 đồng, 1,5kg tôm đất/100.000 đồng, năm loại cá quý có giá 180.000đ/kg, du khách sẽ được hậu đãi bằng cả tấm lòng thương mến hiếu khách qua những món ăn được chế biến tỉ mỉ theo sở thích yêu cầu để cùng nhấm nháp với ly rượu làng Chuồn nức danh đất thần kinh.

 

Hải sản tươi ngon ngay tại đầm Chuồn với giá cực kỳ rẻ – Ảnh: Sưu tầm

 

Du khách còn có cơ hội thưởng thức rất nhiều đặc sản khác đậm phong vị làng Chuồn, đậm phong vị xứ Huế như: bánh khoái (cá kình, tôm, thịt,…), bánh tét làng Chuồn, bánh canh, bánh nậm – lọc – bèo, bún bò Huế,… tại các quán ăn gần bờ với tên gọi cũng đậm phong vị làng Chuồn: Đầm Chuồn Hội Quán, Đầm Chuồn Hương Quán, Đầm Chuồn Việt Quán, Đầm Chuồn Lộng Gió,…

 

Món bánh khoái cá kình làng chuồn nổi danh khắp nơi – Ảnh: Sưu tầm

 

CHÚT QUÀ KỶ NIỆM LƯU GIỮ CHỐN XƯA

 

Vùng sông nước đầm phá làng Chuồn ngoài những món ngon dùng để chiêu đãi trực tiếp cho du khách khi đến đây còn có nhiều đặc sản được chế biến để được lâu dùng làm quà như giữ lại chút kỷ niệm mỗi lần nơi đây. Rượu làng Chuồn nổi danh đất Huế, bánh Tét làng Chuồn, tôm chua, ruốc mắm, mắm rò, mắm nêm, mắm tôm nức tiếng,… là những món du khách có thể tìm thấy ngay tại phá đầm Chuồn.

 

Một số đặc sản ở làng Chuồn có thể mang về làm quà – Ảnh: Sưu tầm