Huế xưa và nay – Ðổ xăm hường là một trò chơi tao nhã, có nguồn gốc Trung Hoa, nhưng rất được người Huế ưa chuộng. Thoạt tiên, trò chơi này xuất phát từ trong cung, về sau phổ biến trong dinh thự của các vương tôn, công tử và quan lại triều đình nhà Nguyễn, rồi mới lan truyền ra dân gian.
Xăm có nguồn gốc từ chữ thiêm (籤) nghĩa là cái thẻ. Hường là cách đọc trại từ chữ hồng (紅), nghĩa là màu hồng, do âm hồng có trong chữ Hồng Nhậm (洪任), là tên của vua Tự Ðức nên phải kiêng. Ðổ xăm hường là trò chơi gieo các hột xúc xắc (còn gọi là hột tào cáo, hột xí ngầu) để dành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa gồm: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên. Chính tên gọi của các quân cờ đã thể hiện cái nho nhã của trò chơi và tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa.
Một bộ xăm hường gồm ba món chính: bộ thẻ (xăm), sáu hột súc sắc và chiếc tô sứ sâu lòng để gieo xúc xắc (đổ hột). Ngày trước, người chơi phải nhọc công để tìm cho được một chiếc tô sứ men lam làm từ đời Minh – Thanh bên Tàu để tiếng đổ hột mới thanh và vang xa. Riêng bộ thẻ thì tùy mức độ sang hèn của chủ nhân mà được làm bằng ngà voi, xương thú hay cật tre.
Tái hiện trò chơi đổ xăm hường
Trong điện Hòa Khiêm ở lăng Tự Ðức vẫn còn lưu giữ một bộ xăm hường làm bằng ngà voi, chạm trổ rất đẹp, vốn là vương bảo của vua Tự Ðức. Chủ nhân Ngọc Sơn công chúa từ đường ở đường Nguyễn Chí Thanh vẫn còn lưu giữ được một bộ xăm hường khác làm từ đời vua Ðồng Khánh (1885 – 1889). Ngày nay, các bộ xăm hường bán ở chợ Ðông Ba thường được làm bằng xương, cũng chạm trổ cầu kỳ nhưng các chữ Hán được thay bằng các hình vẽ có màu sắc loè loẹt và những dấu chấm màu đỏ. Ngoài ra cũng cần phải kể đến chiếc hộp để cất những chiếc xăm và các con súc sắc. Ðó là những chiếc hộp làm bằng gỗ quý bên ngoài có các hình trang trí bằng sơn son thếp vàng hay cẩn xà cừ. Như thế mới tương xứng với những “ông trạng, ông nghè” làm bằng ngà, được cất giữ trong hộp.
Mỗi bộ xăm hường có 63 chiếc thẻ. Thẻ cao nhất là thẻ trạng nguyên (1 thẻ), có giá trị là 32 điểm. Tiếp theo gồm: 1 thẻ bảng nhãn và 1 thẻ thám hoa (16 điểm/thẻ); 4 thẻ hội nguyên (8 điểm/thẻ), 8 thẻ tiến sĩ (4 điểm/thẻ), 16 thẻ cử nhân (2 điểm/thẻ) và 32 thẻ tú tài (1 điểm/thẻ). Trò chơi dùng sáu hột súc sắc, mỗi con có sáu mặt khắc các dấu chấm theo thứ tự: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, trong đó, mặt nhất và mặt tứ tô màu đỏ, các mặt khác được tô màu đen. Khi chơi, người ta gieo/đổ/thả cả sáu con súc sắc vào chiếc tô sứ rồi căn cứ vào các mặt hiện ra để tính điểm và nhận cho mình chiếc thẻ thích hợp. Thang điểm cơ bản dựa trên mặt tứ, gọi là hường
Đổ xăm hường trong chương trình Đêm hoàng cung
Số người tham dự trò chơi xăm hường có thể là bốn, năm hay sáu người. Tùy theo số người chơi mà định ra các luật lệ như: bán trạng, mua trạng và định mức độ ăn thua. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể mà định ra cách thức cướp trạng khi thẻ này đã về tay người khác, hay cách lấy các thẻ tương ứng với một thẻ có số điểm cao hơn nhưng đã thuộc về người khác, trước khi người thứ hai đạt được thẻ đó. Khi số thẻ được lấy hết có nghĩa một ván cờ đã kết thúc và người ta dựa vào số thẻ có ở từng người để xác định kẻ thắng người thua. Ðiều thú vị là hoàn toàn không có tính sát phạt trong trò chơi đổ xăm hường mà chủ yếu nhờ vào sự may rủi. Người ta thường chơi xăm hường trong những dịp đầu xuân, vừa để giải trí trong ba ngày Tết, vừa để thử vận hên xui của mình trong một năm, hơn là để thỏa mãn thú đỏ đen như những trò cờ bạc khác. Thậm chí, mỗi khi đổ được lục phú hường, đoạt tất cả các thẻ có trong cuộc chơi và được nhân đôi số điểm có trên tất cả các thẻ, thì thay vì vui mừng, người Huế lại lo âu. Nguyên do là vì họ cho rằng khi cái may đạt đến tột đỉnh thì kế tiếp sẽ gặp điều xui xẻo. Đây chính là điều thú vị trong lối suy nghĩ và thái độ ứng xử của người Huế. Trò đổ xăm hường phản ánh khát vọng đỗ đạt, nếp nghĩ và lối sống của người Huế nên được người Huế ưa chuộng. Vì thế, trò chơi này mới lan truyền sâu rộng nơi mảnh đất cố đô và vẫn tồn tại cho đến bây giờ.
Theo Trần Đức Anh Sơn (Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế)