Các nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam cho rằng “Trong Đại nội nổi bật nhất… là Hiển Lâm Các, một công trình kiến trúc đẹp, gồm ba tầng, mười hai mái”. Hiển Lâm Các được xây dựng cùng một lần với Thế Miếu: 1821 – 1822 thời vua Minh Mạng.
Hiển Lâm Các được xây dựng ngay phía trước Thế Miếu, trên khối nền cao hình chữ nhật, lát gạch Bát Trành, xây bó bằng gạch vồ, vôi vữa và đắp nổi mảnh sành để trang trí. Từ dưới bước lên mặt nền bằng hai hệ thống bậc đá thanh ở trước và sau, mỗi hệ thống có 9 bậc. Hai bên thành bậc đắp hình rồng ở giữa là giới hạn lối đi dành riêng cho vua.
Hiển Lâm Các được kiến trúc bằng gỗ cao tầng. Mặt bằng tầng một chia làm ba gian hai chái. Quang ba mặt ngoài của hai chái xây tường gạch để gia cố sức chịu đực của các hàng cột quân và bao che bớt phần nội thất. Ơ hàng cột thứ ba tính từ mặt trước, dựng ở một dãy đố bản, giữa mỗi gian trổ một cửa vòm. Các hệ thống kèo, liên ba, đố bản ở tầng này đều chậm nổi các mô úp hình rồng cách điệu hóa thành dây leo lá cuốn. Trên cửa giữa treo tấm hoành phi lớn đề ba chữ “Hiển Lâm Các” trên nền sơn màu lục, khung chạm 9 con rồng vờn mây sơn son thếp vàng.
Gian bên phải bắc chiếc cầu thang lên tầng trên. Cầu thang được trang trí rất đẹp. Hai tay vịn, chia thành các ô hộc trang trí hình chữ “thọ”, chữ “vạn” và đường nét kỷ hà. Đầu và cuối tay vịn đều chạm nổi hình đầu và đuôi rồng uốn lượn mềm mại…
Tầng hai có ba gian. Trước đây đặt án thư và sập Ngự sơn son thếp vàng. Hai mặt trước và sau đều có cửa lá sách, hai mặt bên nong ván, chung quanh là một hệ thống lan can bằng gỗ với những hàng con tiện trau chuốt tỉ mỉ. Đỡ giàn mái tầng này có 4 cột chính, 4 cột phụ chia ra một hệ thống con sơn được trổ đẹp.
Tầng ba chỉ có một gian. Lối đi lên là một cầu thang gỗ 9 bậc. Mặt trước và sau lầu dựng cửa lá sách. Để chống đỡ toàn bộ phần dưới của bộ mái trên cùng có hệ thống con sơn từ bốn cột chính ở bốn góc vươn ra như những cánh tay. Nhờ hệ thống con sơn đã đưa các mái ra khá rộng, nó vừa có giá trị kết cấu (thay thế cái “bẫy” của đình, chùa ở miền Bắc) vừa có giá trị trang trí tạo ra nhiều mảng tối, mảng sáng cho mặt ngoài của công trình kiến trúc, làm tăng thêm vẻ thâm nghiêm trong chốn cung đình.
Giữa nóc tầng trang trí bầu rượu bằng pháp lam màu vàng nhạt đặt trên một áng mây pháp lam ngũ sắc tươi thắm…
Hiển Lâm Các là công trình kiến trúc có giá trị cả về kỹ thuật lẫn thẩm mỹ. Tòa nhà cao tầng nhưng tỷ lệ cân xứng, hài hòa giữa các tầng với nhau. Sự đứng vững của tòa nhà gần hai thế kỷ nay đã thể hiện tài năng, khéo léo tuyệt vời của người thợ mộc ở cả phương diện tạo nên độ bền chắc và trang trí mỹ thuật.
Chức năng chính của Hiển Lâm Các được xem như là đài kỷ niệm để ghi nhớ công tích các vua triều Nguyễn thờ ở Thế Miếu và các đại thần có công thờ ở hai nhà Tả tùng tự và Hữu tùng tự gần trước mặt.
Theo Lê Văn Phúc (Huế – Di tích lịch sử – Văn hóa – Danh thắng)