Hổ quyền

Hổ quyền Huế

Hổ quyền Huế

Huế xưa và nay – Hổ quyền là đấu trường được xây dựng để tổ chức những trận đấu giữa voi và cọp cho vua, hoàng gia và các quan lại đến xem và giải trí. Trường đấu Hổ quyền được xây dựng năm 1830, ở bên bờ Nam sông Hương, cách kinh thành Huế 4km.

Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, không có mái che, đồ sộ, kiên cố như một thành trì. Trường đấu gồm 2 vòng tường thành hình tròn đồng tâm xây bằng gạch vồ, trát vôi vữa. Tường dày 1,1m ở nền và 0,5m ở đỉnh. Đường kính của vòng tường ngoài là 45m, chu vi 140m, cao 4,5m. Vòng tường trong có đường kính 35m, chu vi 110m, cao 6m. Hai vòng tường cách nhau 4m ở nền và 3m ở đỉnh. Khoảng giữa hai vòng tường được đắp đất ngang chiều cao của vòng tường ngoài tạo thành con đường đất chạy vòng tròn phía trên đấu trường (chỉ gián đoạn ở khán đài vua ngồi). Từ dưới chân tường có hai cầu thang để đi lên mặt con đường đất. Cầu thang thứ 1 có 20 bậc dành cho vua và Hoàng gia. Khán đài là một khu đất hình chữ nhật 96m2, cao 1,5m so với mặt đường đất. Từ trên khán đài nhìn xuống người ta thấy khu lồng chảo của trường đấu. Cầu thang thứ 2 có 15 bậc dành cho lính và dân lên xem. Khoản giữa hai cầu thang là một lối vào rộng 1,9m, cao 3,9m dành cho voi đi vào trường đấu. Con đường chạy vòng tròn bên trên cửa vòm này được thu hẹp lại bằng một chiếc cầu nhỏ bắt qua vòm cửa. Dưới là một bộ cửa lớn, có 2 cánh, các bản lề bằng đá nay còn nguyên vẹn. Đối diện với khán đài dành cho vua ở bên kia của đấu trường là 5 cái chuồng cho Hổ (cọp) và Báo. Phía trên cái chuồng ở chính giữa có một tấm biển bằng đá chạm hai chữ hán: “Hổ quyền”.

Hổ quyền xưa – nơi Voi và hổ giao đấu

Các cuộc đấu giữa voi và hổ là một thú vui giải trí cho vua chúa có từ lâu đời. Dưới thời các chúa Nguyễn, những trận đấu giữa voi và cọp được tổ chức ở cồn Dã Viên trên sông Hương. Thời vua Gia Long (1802 – 1819) các trận đấu diễn ra ở bãi đất trống trước mặt kinh thành. Triều đình bắt lính cầm khí giới đứng thành một vòng tròn để làm hàng rào cho đấu trường. Cách làm này đe dọa tính mạng của nhiều người nên đến năm 1830, năm Canh dần, Minh Mạng cho xây đấu trường này. Ngày xưa các trận đấu tại Hổ quyền được tổ chức hàng năm, nhưng cũng tùy sở thích của các ông vua nhà Nguyễn. Trận đấu cuối cùng tại đây diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. Đấu trường Hổ quyền là một công trình kiến trúc độc đáo hiếm thấy ở Đông Nam Á. Tuy nó không đồ sộ như những đấu trường thời đại đê quốc La Mã nhưng nó cũng có dáng dấp đặc sắc và tạo được một không khí thượng võ, uy nghiêm…

Theo Lê Văn Phúc  (Huế – di tích lịch sử  – văn hóa – danh thắng)