Huế xưa và nay – Một trong những nơi có truyền thống vật võ nổi tiếng nhất ở tỉnh Thừa Thiên Huế là làng Sình, tên chữ là Lại Ân (nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang). Làng Sình nằm bên ngã ba sông, nơi con sông Bồ hợp lưu với sông Hương trước khi xuôi về phá Tam Giang để thông ra biển. Ðây là một làng nghề, chuyên làm tranh mộc bản để thờ cúng. Ðối diện làng Sình, bên kia sông là làng Thanh Phước, nơi có ngôi đền, thờ một phù điêu Champa, từng được triều Nguyễn sắc phong là Kỳ Thạch phu nhân chi thần. Nơi đây còn có vết tích một trại thủy quân thời các chúa Nguyễn. Khi mới đến Ðàng Trong, để tăng cường sự phòng thủ mặt đông cho thủ phủ, chúa Nguyễn đã lập nơi đây một xưởng đóng thuyền và một trại thủy binh đêm ngày luyện tập võ nghệ và nghề sông nước. Những hoạt động của trại thủy binh đã mang đến cho vùng này một truyền thống vật võ còn lưu truyền đến nay.
Trước tiên, người ta tổ chức đấu vật trong lực lượng thủy binh nhằm tuyển chọn những người có sức khỏe, để lên rừng tìm gỗ đóng thuyền, để đương đầu với kẻ thù lúc cận chiến. Sau thời các chúa Nguyễn, các sới vật ở làng Sình được tổ chức hàng năm nhằm tuyển chọn và tưởng thưởng những thanh niên có lòng can đảm, sức mạnh và mưu trí, để lên rừng lấy cây vang, cây hòe về chế màu; xuống biển lấy vỏ sò, vỏ điệp về nung thành bột, đem trộn với hồ, quét lên giấy dó để in tranh.
Hội vật tổ chức ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm. Sới vật được đắp bằng đất, ngay trước sân đình. Tuy diễn ra ở làng Sình nhưng hội vật thu hút nhiều võ sĩ đến từ những vùng phụ cận như: Vĩnh Lại, Quy Lai, Dương Nỗ, Thanh Phước… Có cả những võ sĩ từ các làng quê ven biển như Thuận An, Hải Dương… đến đua tài.
Hội vật diễn ra trong một ngày. Sau khi vị tiên chỉ trong làng đọc lời khai cuộc và công bố luật lệ hội vật, người ta đốt lửa trong một chiếc đèn thăng thiên làm bằng vải theo nguyên lý hoạt động của một khinh khí cầu, rồi thả nó bay lên trời, báo hiệu hội vật bắt đầu.
Hội vật làng Sình
Sau hiệp đấu khai hội mang tính nghi thức của hai bậc lão trượng trong làng là cuộc đua tài của thiếu nhi, kế đến mới là các hiệp đấu của người lớn. Người nào thắng liên tiếp ba đối thủ thì được dự vòng bán kết buổi chiều. Buổi chiều ai thắng được ba trận thì sẽ được vào vòng chung kết. Người vật bị đối phương nhấc bổng lên hoặc làm cho “lấm lưng trắng bụng” thì thua trận và bị loại trực tiếp, không được tham dự trận đấu thứ hai mà phải đợi đến sang năm mới được so tài trở lại. Ngoài hội vật làng Sình, trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện nay còn có hội vật ở làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) cũng là nơi quy tụ khá nhiều tay vật từ các địa phương khác đến dự hội. Mỗi địa phương có một trường phái, một phong cách đấu vật riêng, chứng tỏ xứ Huế là một nơi giàu truyền thống vật võ. Truyền thống đó vẫn được duy trì tới nay, như là một hoạt động thể thao và là trò giải trí được công chúng ưa thích.
Theo Trần Đức Anh Sơn (Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế)