Lăng vua Gia Long

Huế xưa và nay – Tên gọi lăng Gia Long thực ra để chỉ một quần thể lăng tẩm của nhiều người trong hàng quyến thuộc nhà vua với trọng địa là khu lăng mộ vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ có tên gọi riêng, trong đó Đại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi chung cho cả quần sơn này: Thiên Thọ Sơn.

Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814, sau cái chết của bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu – chính phi của Gia Long, cho đến năm 1820 mới hoàn tất. Đích thân vua Gia Long đã quan sát, duyệt định vị trí quy hoạch và chỉ đạo việc thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công. Một lần lên giám sát thi công tại công trường, Gia Long và hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám đã bị thương do nhà sập…

Đường vào lăng Gia Long

Đến thăm lăng Gia Long, du khách có thể đi thuyền theo sông Hương khoảng 18km rồi cập bến lăng, hoặc đi theo đường bộ chừng 16km, xuống bến đò Kim Ngọc, đi thềm vài cây số nữa thì tới. Bố cục của lăng đơn sơ, dàn trải giữa khung cảnh một khu rừng thông bao la. Từ bờ sông Hương đi vào lăng có con đường rộng hai bên trồng thông và sầu đông cao vút, xanh um, tạo ra một không khí trong mát, tĩnh mịch. Hai cột trụ biểu uy nghi nằm ở ngoài cùng báo hiệu khu vực lăng.

Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng, rộng lớn. Trước có ngọn Đại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu án. Bên trái có 14 ngọn núi làm “tả thanh long” và bên phải 14 ngọn làm “hữu bạch hổ”. Tổng thể lăng được chia làm ba khu vực:

Bái đình lăng Gia Long

Men theo các lối đi giữa những đám cỏ và hoa rừng, dưới bóng thông tươi mát, du khách viếng thăm các lăng phụ cận trong khu vực này như: Lăng Quang Hưng của bà vợ thứ hai chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620 – 1687), thân mẫu chúa Nguyễn Phúc Trăn; Lăng Vĩnh Mậu, vợ chúa Ngãi vương Nguyên Phúc Trăn (1650 – 1691); Lăng Thoại Thánh, vợ thứ hai của Nguyên Phúc Luân và là thân mẫu của Gia Long… Đáng chú ý nhất là lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, thân mẫu của vua Minh Mạng, bên cạnh có điện Gia Thành dùng để thờ…

Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt vời về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó thiên nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vĩ của cảnh quan. Đứng trước tam quan điện Minh Thành hay trên sân chầu trước Bảo Thành, nhìn ra núi non trùng điệp, rừng thông hoang vu, thấy thấm thía cái hoành tráng, hùng vĩ mà hoang sơ của lăng Gia Long.

Theo Lê Văn Phúc (Huế – Di tích lịch sử – Văn hóa – Danh thắng)