Tục lệ cưới hỏi của người Huế

Tục lễ cưới hỏi người Huế

Tục lễ cưới hỏi người Huế

Vào thưở xa xưa, việc dựng vợ gã chồng cho con đều do cha mẹ đôi bên định liệu tất cả. Tục lệ ấy, ngày nay đã thay đổi. Tuy nhiên, để đi đến kết hôn, nhiều gia đình vẫn còn thực hiện theo các lễ sau:

 

• Sơ vấn: Bên nhà trai đến nhà gái theo cách đến chơi cho biết nhà biết cửa, biết mặt bên nhà gái. Không có nghi thức gì bó buộc phải theo.

• Vấn danh: (coi mặt) Khi đã tiếp xúc buổi sơ vấn, nhà trai có thể làm xui với nhà gái cho biết tuổi của cô con gái, thường gọi là “niên canh bát tự” (năm sinh tám chữ).

• Nạp các:(nói vợ) Nhà trai sau khi đã xem tuổi của người con gái mà không thấy điều gì xấu, nhà trai đến báo cho nhà gái biết tuổi của hai đứa con đều tốt. Nhà trai đồng ý nói người con gái ấy làm vợ cho con trai mình nên gọi là nói vợ. Nói bằng lời thôi, không có lễ vật gì.

• Đính hôn, bỏ trầu, lễ hỏi:

Sau khi hai bên nhà trai nhà gái thỏa thuận việc dựng vợ gã chồng cho con mình, nhà trai làm “lễ diện nhạn”. Trước khi làm lễ này, phải có khay cau trầu rượu để xin trình bày lý do, vì phong tục của người Việt Nam “cau trầu là đầu câu chuyện”. Ngày nay không có cặp nhạn, mà trau cầu, bánh trái, trà rượu để nhà gái biếu bà con bạn bè cho biết con gái mình đã được định nơi. Một chiếc nhẫn đeo vào tay người con gái, gọi là nhẫn đính hôn. Nhà trai, nhà gái đều gửi thiếp cho bạn bè. Thiếp ấy gọi là thiếp đính hôn.

Hoặc năm miếng trầu là dâu nhà người, nhắc nhở để con gái biết rằng từ đây đã là chính thức dâu nhà người ta. Không có lễ cúng kiến gì cả, như là việc xem mặt đi nhiều người có xã giao rượu trà mà thôi. Ngày xưa, sau khi làm lễ đính hôn, người con trai phải đến nhà người con gái làm rễ. Làm rễ là làm những công việc của nhà người con gái, như người trai bạn trong nhà. Nếu nhà người con gái là nhà làm ruộng, người làm rễ phải đi cày, cuốc đất… làm rễ có nơi lâu đến ba năm mới cho làm lễ cưới. Trong thời gian ba năm này, nhà trai mỗi năm phải có hai lễ cho nhà gái: Tết Nguyên Đán và Tết Đoan Ngọ. Mồng năm tháng năm (Tết Đoan Ngọ) phải tết một cặp vịt sống.

Mồng năm nhận hết
Ngày Tết thì chừa (lại)

Nghĩa là đi tết mồng năm, nhà gái nhận hết lễ vật. Ngày tết thì chừa lại một nửa gởi lại nhà trai.
Ngày trước, chú rễ không dự vào lễ đính hôn, ngày nay thì trái lại.

• Lễ cưới:

Định ngày lành tháng tốt, nhà trai đem tiền bạc(tệ) và lễ vật (sính) đến nhà gái để xin cưới người con gái ấy cho con trai mình làm vợ. Lễ này thường gọi là lễ cưới gồm nạp lễ, nên nghi thức rườm rà hơn lễ đính hôn. Những lễ vật đưa đến nhà gái phải kể quan trọng nhất là cặp đèn sáp lớn để thắp vào bàn thờ hôn lễ. Mâm cau, trầu, rượu, đồ trang sức cho cô dâu, bánh trái, tiền bạc đều để lên bàn trước bàn thờ. Trình diện cô dâu, cô dâu được đeo nữ trang. Dâu rễ lạy bàn thờ, cha mẹ nhắc nhủ cô dâu, quà biếu trong ngày lễ này. Nhà gái còn mời họ nhà trai ăn uống khi đưa dâu.

• Cúng tơ hồng

Cúng lễ này thường diễn ra ở nhà gái. Đúng giờ, nhà trai vào nhà gái làm thủ tục trình giờ nạp lễ xong. Nhà gái mời nhà trai vào nhà, bàn giá thú bày sẵn ở giữa sân. Người chủ hôn từ phía họ nhà trai, mặc áo rộng địa xanh, đội khăn đóng, dùng dao bửa quả cau làm hai lấy một lá trầu quệt vôi rồi đặt vào dĩa dâng lên bàn thờ, đứng vào chiếu lạy, châm đèn đốt nhang rồi vái lạy cảm ơn Nguyệt Lão xe duyên, đôi khi có đọc văn tế. Chỉ có người chủ hôn lạy cám ơn Nguyệt Lão mà thôi.

Sau khi hoàn tất lễ cúng tơ hồng, tứ thân phụ mẫu làm lễ yết gia tiên nhà gái. Đôi nam nữ vái lạy gia tiên và cha mẹ mình để về nhà chồng.

• Rước dâu – Lễ giao duyên hợp cẩn

Trước ngày cưới khoảng mười ngày, nửa tháng, nhà trai sang nhà gái để bàn chuyện tổ chức đám cưới cho được chu toàn, gọi là “Thọ ngôn”. Lễ thọ ngon chỉ có cau trầu rượu. Mọi thủ tục giờ giấc được bàn bạc cụ thể, chặt chẽ. Sau khi làm lễ tơ hồng, cúng gia tiên ở nhà gái xong, đến giờ rước dâu về nhà chồng. Gái về nhà chồng phải đúng giờ gọi là giờ nhập trạch – là hoàng đạo (giờ tốt), về làm dâu sẽ thuận lợi tốt đẹp. Trật giờ, sinh lắm chuyện không hay.

Về đến nhà trai, lễ gia tiên vẫn diễn ra như tại nhà gái. Sau đó đến lễ giao duyên hợp cẩn. Vợ ông chủ hôn vào phòng hoa chúc và trải chiếu mới cho cặp vợ chồng. Chú rễ thắp hai cây đèn sáp đưa cao khỏi đầu, cô dâu bưng quả hộp theo sau vào nhập phòng. Quả hộp bằng gỗ, sơn màu đẹp, phủ khăn gỗ.

Trong quả hộp đựng kim, chỉ ngũ sắc và muối gừng. Vào đến phòng hoa chúc, cô dâu chú rễ trao nhau ăn miếng gừng và muối.:

Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau

Hai cây đèn sáp thắp sáng để dẫn đường đi vào phòng hoa chúc. Người ta nói ánh đèn sáp không để cho bóng hình của người rễ bị cô dâu dẫm lên. Chàng rễ bị dẫm bóng về sau vợ sẽ ăn hiếp.

Ngày cưới, nhà gái trang hoàng ở cổng chào vào nhà mình hình chữ Vu Quy. Nhà trai trang hoàng chữ Tân Hôn hoặc Thành Hôn. Cô dâu chú rễ mặc áo cổ truyền khi làm lễ. Khách khứa ăn mừng mặc âu phục hoặc áo cổ truyền.

• Lại mặt

Khi đưa dâu, người mẹ không đi theo tiễn đưa, chỉ có người cha, cô, chú, bác theo người con gái về nhà chồng. Cảnh bịn rịn, nhớ nhung nên bà mẹ và con gái thường ôm choàng nhau khóc: “Khấp như thiếu nữ vu quy nhật”

Vì bà mẹ lúc đưa dâu phải ở nhà, nên cuối ngày tiệc cưới xong, vợ chồng tân lang và tân giai nhân cùng đại diện sui gia của nhà trai (có thể người cha hoặc chú bác) về nhà gái đem theo cau trầu rượu một dĩa xôi, thịt, nem, chả, bánh trái… trình lên người mẹ bên nhà gái, gọi là lại mặt. Sau khi thưa trình, ngồi nhấm rượu vui vẻ. Trường hợp gã con gái xa, nên vài ngày sau mới diễn ra lễ này.

Ngày xưa, chuyện hôn nhân do cha mẹ sắp đặt “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Chuyện làm dâu có nhiều trắc ẩn, tình duyên trắc trở nên mới có những câu hò thấm thía:

“Chiều chiều ra đứng vườn sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”

Ngày nay trai gái tự do kết hôn, tuy vậy tập quán xưa vẫn duy trì.