Video clip : lăng vua Khải Định – Ứng lăng

Lăng vua Khải Định - Huế xưa và Nay King Khải Định Royal Tomb

Huế xưa và nay – Lăng Khải Định so với 6 khu lăng khác của các nhà vua, thì lăng Khải Định là lăng sau cùng và mặt bằng kiến trúc nhỏ hẹp nhất, nhưng đây lại là công trình đòi hỏi nhiều nhất về thơi gian và công sức và tiền của. Nếu lăng Gia Long được xây dựng trong 6 năm, lăng Tự Đức 3 năm thì lăng Khải Định kéo dài trong 11 năm, từ 1920 đến năm 1931. Dưới thời Khải Định, nhà vua đã say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng lăng. Các công trình ấy hiện nay còn hầu như nguyên vẹn, đánh dấu một giai đoạn kiến trúc mới lạ trong lịch sử mĩ thuật Việt Nam. 

Sau khi đày vua Duy Tân sang đảo Reunion, thực dân Pháp đưa con trai duy nhất của Đồng Khánh là Bửu Đảo lên ngôi, với niên hiệu là Khải Định. Ông là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm, chuẩn bị ngôi nhà cho thế giới bên kia vào buổi mạt kì của chế độ phong kiến. Do lăng tọa lạc trên ngọn núi Châu Chữ, trước mặt có khe châu E chảy qua, đầy lam sơn chướng khí, dân binh rất khổ cực. Đến bây giờ ở Huế vẫn còn lưu truyền câu ca dao:

“Châu Ê ơi hỡi châu Ê. Khi đi thì có khi về thì không”.

Triều đình đã đưa tất cả thợ thủ công có tay nghề cao nhất như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả lên đây làm việc. Để có kinh phí xây dựng lăng, Khải Định đã cho tăng 30% thuế điền. Hành động này đã bị lịch sử lên án gay gắt và dân tình oán thán. Kinh phí lớn nhất là phải mua vật liệu từ nước ngoài như sắt, xi măng, ngói mua ở Pháp, sành sứ thủy tinh phải nhập từ Nhật Bản, Trung Quốc. Nhìn toàn cảnh lăng Khải Định như một tòa lâu đài ở châu Âu được xây dựng trên một sườn núi như một pháo đài thời Trung cổ. Kiến trúc của lăng vừa có gì là lạ , lại vừa quen quen. Đó là kết quả của sự hội nhập nhiều nền kiến trúc Á Âu, kiến trúc Việt Nam cổ điển và hiện đại. Không gian ở đây thiếu hẳn vẻ thanh thoát, tươi mát, tĩnh lặng mà du khách tìm được ở các lăng. Cá tính hiếu kì, chuộng cái mới mà không biết sàng lọc của vua Khải Định đã tạo nét độc đáo pha chút gì ngông nghênh của Ứng Lăng. Tổng thể của lăng là một khối chữ nhật vươn lên cao với 127 bậc cấp như muốn thể hiện khát vọng tự chủ của ông vua bù nhìn. Lên đến bậc cấp trên cùng là Bái đình, có văn võ thị vệ chầu hầu như bao lăng khác. Qua khỏi Bái đình là Bi đình, có đặt bia “Thánh đức thần công”. Đây là một công trình kiến trúc liền nhau, bên trong chia làm năm khu vực chính: phía trước cung là Khải Thành điện, nơi thờ và đặt chân dung của vua Khải Định. Chính giữa cung là Bửu tán được thiết kết bằng xi măng cốt sắt nhưng làm cho ta cảm giác đứng trước cái tán làm bằng nhung lụa có thể xao động trước gió. Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của vua Khải Định, được đúc tại Pháp vào 1922. Ngay dưới bức tượng là nơi an táng thi hài vua Khải Định.

Nét khác biệt nhất giữa Ứng lăng và các lăng mộ các vua trước cũng như trên thế giới là thi hài nhà vua được xác định cụ thể và chắc chắn. Có thể đây là một chút ngông nghênh mà Khải Định đã thể hiện. Đứng ở Thiên Định cung, có lúc du khách tưởng mình lạc vào ngôi nhà bằng đá cẩm thạch xanh với những hoa văn tự nhiên. Nhưng thật ra đây chỉ là những bức tường và trần nhà được các họa sĩ tài hoa sử dụng bút lông và màu nước để tạo nên. Đẹp nhất, huyền hoặc nhất, có giá trị nhất vẫn là 3 bức bích họa: “Cửu long ẩn vân” , đã làm nổi bật nền hội họa cổ điển Việt Nam, đã thăng hoa bàn tay tài hoa của nghệ nhân dân gian Phan Văn Tánh. Một con người cũng đã để lại nhiều huyền thoại trong những câu chuyện dân gian vì cái tính lắm tài nhiều tật của ông. Với đầu óc thông minh sáng tạo, với tính nhẫn nại cần cù, với bàn tay tài hoa bay bướm, người thợ thủ công thời Khải Định đã thổi luồng sinh khí mới vào nền mĩ thuật của đất nước đương thời với nghệ thuật phù điêu bằng sành sứ cực kì tinh xảo, vô cùng độc đáo và hết sức hấp dẫn. Lăng Khải Định thật sự là một công trình tuyệt tác.