Huế xưa và nay – Lăng Tự Đức xây dựng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân thành phố Huế). Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Lăng nằm giữa một rừng thông bát ngát, cách Huế 8km.
Tự Đức ở ngôi 36 năm, là ông vua tại vị lâu nhất trong 13 ông vua triều Nguyễn. Trong số 13 vua Nguyễn. Tự Đức là người uyên thâm nhất về nền học vấn Đông phương, nhất là nho học. Vua giỏi cả về sử học, triết học, văn học nghệ thuật và rất yêu thơ. Tự Đức ở ngôi trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, thực dân Pháp đe dọa và tấn công, nội bộ anh em lục đục giành nhau ngôi báu, nhà vua thì đau yếu, bệnh hoạn, không có con. Để trốn tránh cuộc đời khắc nghiệt, Tự Đức cho xây dựng khu lăng tẩm này như một hành cung thứ hai để tiêu sầu và phòng lúc “ra đi bất chợt”.
Hồ Lưu Khiêm – lăng Tự Đức
Sau khi các quan địa lý chọn được vị trí ở làng Dương Xuân Thượng, nhà vua đã chuẩn định đồ án kiến trúc lăng tẩm theo ý muốn của mình và đặt tên cho công trình là Vạn Niên Cơ. Tháng 12-1864, công trình được khởi công xây dựng. 6000 lính và thợ được huy động đến đây để đào hào, đắp lũy, xây thành quách, cung điện, lăng mộ. Theo dự kiến ban đầu, công trình sẽ được xây dựng trong 6 năm, nhưng hai viên quan coi thi công là Nguyễn Văn Chất và Lê Văn Xa đã bắt binh, dân phải lao động cực nhọc để hoàn thành chỉ trong 3 năm. Kết quả của việc cưỡng bức lao động đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa do Đoàn Trưng lãnh đạo lính thợ và dân binh chống lại triều đình vào đêm 16 rạng ngày 17-9-1866. Cuộc khởi nghĩa không thành, bị đàn áp, nhưng uy tín của vua Tự Đức bị tổn thất lớn… Công việc xây lăng bị gián đoạn hơn một tháng. Tự Đức đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung. Sau khi vua qua đời nó mới được gọi là Khiêm Lăng.
Khiêm Cung Môn – lăng Tự Đức
Trong vòng La thành rộng khoảng 12ha, gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ dàn trải thành từng cụm trên những thế đất cao thấp hơn nhau chừng 10m. Bố cục khu lăng gồm hai phần chính, trên hai trục song song với nhau lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm Tiền án, núi Dương Xuân làm Hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố Minh Đường. Các công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm đặt tên gọi.Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Qua khỏi cửa Vụ Khiểm và miếu thờ Sơn thần, có con đường chính dẫn vào khu vực điện thờ mà trước đây là chỗ nghỉ ngơi giải trí của vua. Thoạt đầu là Chí Khiêm – nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là ba bậc tam cấp bằng đá thanh dẫn vào Khiêm cung môn – một công trình hai tầng dạng vọng lâu. Hồ Lưu Khiêm nguyên là con suối nhỏ được đào rộng thàn h hồ, giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm có đất trồng hoa và hang nhỏ để nuôi thú. Trên hồ có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ – nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách,…Bên trong Khiêm Cung môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, ngay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên tả hữu là Pháp Khiêm vu và Lễ Khiêm vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ của vua, sau được dùng để thờ bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức). Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm đường – nơi cất đồ ngự dụng. Phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để vua xem hát. Đây được coi là nhà hát cổ nhất Việt Nam hiện còn được bảo tồn. Trì Khiêm và Y Khiêm viện là chỗ ở của cung phi theo hầu vua khi sống cũng như lúc vua đã chết…Nhà cửa ở Khiêm cung đều làm bằng gỗ, còn các kiến trúc ở lăng mộ đều xây bằng gạch đá. Ngày sau Bái đình (sân chầu) với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi là Bi đình (nhà bia) với tấm bia bằng đá thanh lớn nhất nước ta có khắc bài Khiêm cung ký do nhà vua soạn dài 4.935 chữ để nói về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro bệnh tật của mình… Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu thành xây bằng gạch, chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, nơi vua yên nghỉ.
Bi đình – lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi cho du khách một “tâm hồn thơ mộng dịu dàng”.
Theo Lê Văn Phúc (Huế – Di tích lịch sử – Văn hóa – Danh thắng)
Discussion about this post