Huế xưa và nay – Trò đua ghe, đua trải diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế. Ðó là một trong những là trò chơi và cũng là môn thể thao tồn tại lâu đời, có mặt ở Thuận Hóa từ buổi đầu người Việt theo chân các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi và vẫn tiếp diễn trong các lễ hội, các dịp kỷ niệm hàng năm hiện nay. Những ghi chép của các tác giả: Dương Văn An, Lê Quý Ðôn, Nguyễn Khoa Chiêm về vùng đất Thuận Hóa xưa đều có nói về việc người dân nơi đây tổ chức đua ghe trong các dịp xuân về hay trong các lễ hội, hoặc do phủ chúa đứng ra tổ chức nhân một dịp đại lễ nào đó. Sau này, việc tổ chức đua ghe ở Huế thường gắn liền với các lễ hội nông nghiệp hay ngư nghiệp. Người dân ở các làng quê thường tổ chức đua ghe trước khi bước vào vụ mùa mới, như là một phần của những hoạt động mang tính tâm linh nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng được phong đăng hòa cốc.
Chiếc ghe đua xứ Huế thường là loại ghe thân dài; lườn ghe đan bằng cật tre; mũi và lái cong vút. Ngày trước, thân ghe chỉ được phủ lớp dầu rái màu nâu để chống thấm nước. Về sau, chiếc ghe đua được sơn vẽ nhiều màu hơn. Hầu như mỗi thôn, làng đều có chiếc ghe đua và một đội đua, tuyển chọn từ những tráng đinh khoẻ mạnh, dẻo dai nhất. Vài tuần trước khi diễn ra cuộc đua, đội đua được tập trung để bắt đầu tập luyện nhằm đạt đến sự nhuần nhuyễn của toàn đội và tăng cường sức bền bỉ, dẻo dai cho từng thành viên. Việc luyện tập chủ yếu vào ban đêm và thực hiện ở trên cạn, thường là nơi đình làng. Thời gian này cũng là lúc người ta hạ thổ chiếc ghe có từ những mùa đua trước, bấy lâu vẫn được cất giữ ở nơi cao ráo trong đình, để sửa chữa, tu bổ hay trang trí lại, chuẩn bị cho cuộc đua mới. Khi việc luyện tập trên cạn đã khá nhịp nhàng, người ta hạ thủy chiếc ghe vừa tu sửa xong để đội đua tập chèo trên sông, trên phá một vài lần, trước khi vào hội. Với dân chúng, sự thú vị của trò đua ghe đã bắt đầu ngay từ những ngày tập luyện này. Họ kéo đến xem đội đua luyện tập, phụ họa theo tiếng hô giữ nhịp của đội đua. Mấy người phụ nữ còn lo việc nấu các món ăn, úy lạo đội đua để bồi bổ sức khỏe cho họ. Người ta luôn luôn làm một lễ cúng ghe rất trang trọng trước khi đưa ghe gia nhập hội đua.
Đua ghe trên sông Hương
Ngày đua đến, những chiếc ghe đủ màu sắc, từ các thôn làng tập hợp về một quãng sông, cùng những đội đua mặc đồng phục, sẵn sàng bước vào cuộc tranh tài. Hai bên bờ sông, dân chúng tụ tập đông đúc, luôn miệng hò reo cổ vũ cho đội nhà trong tiếng trống dồn dập, náo nức. Cuộc đua thường diễn ra từ sáng sớm, đến giữa trưa thì chấm dứt. Mỗi lượt tranh tài, đội đua phải bơi đủ “ba vòng, sáu tráo” trên một khúc sông được giới hạn bởi hai cọc tre tươi làm cọc tiêu, gọi là vè, trước khi lái chính tháo mái chèo mang lên bờ nộp cho ban giám khảo. Mỗi cuộc đua thường có bốn giải thưởng: – Giải cúng: là giải thưởng cho đội thắng trong lượt đua đầu tiên vào buổi sáng. Phần thưởng của giải cúng là một mâm cau trầu và một chai rượu. – Giải phá: là giải thưởng cho đội thắng trong lượt đua cuối cùng vào buổi chiều. Phần thưởng của giải là một lá cờ đỏ, không có hiện vật kèm theo. Lá cờ này vốn là biểu tượng của cuộc đua, sẽ được đội thắng mang về treo trong đình làng như một niềm vinh dự của đội đua làng ấy. – Giải tam liên thắng: là giải thưởng dành cho đội nào về nhất ba lần trong một cuộc đua. Phần thưởng thường là một con bò để xẻ thịt ăn mừng – Giải nhất, nhì, ba: là giải thưởng dành cho ba đội có thành tích cao nhất trong cuộc đua. Phần thưởng bằng tiền mặt, tùy theo thứ hạng mà số tiền mặt được thưởng nhiều hay ít. Ðua ghe là một trò giải trí mang tính đồng đội cao, vừa giúp vào việc rèn luyện sức khỏe, vừa để giúp vui cho cộng đồng. Ðó cũng là một phần trong các hoạt động lễ hội thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp của người dân xứ Huế. Một số làng ngư nghiệp ven phá Tam Giang như các làng: Thai Dương Thượng thượng giáp (xã Hải Dương), Thai Dương Thượng hạ giáp (xã Thuận An), Hòa Duân (xã Phú Thuận)… cũng tổ chức các cuộc đua ghe trong dịp lễ cầu ngư. Hiện nay, vào các dịp chào mừng ngày giải phóng tỉnh nhà (26/3) và Quốc khánh (2/9), chính quyền thường tổ chức đua ghe trên sông Hương và đó là một hoạt động thể thao, giải trí luôn thu hút sự chú ý của công chúng.
Theo Trần Đức Anh Sơn (Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế)
Discussion about this post