Huế xưa và nay – Tháng 2 năm 1820 vua Gia Long băng hà, con trai thứ tư là Phúc Kiểu, húy là Đảm lên nối ngôi, đặt niên hiệu Minh Mạng. Minh Mạng là ông vua có nhiều đóng góp vào việc ổn định và xây dựng vương triều Nguyễn, mở mang đất nước, củng cố nền thống nhất quốc gia…
Sau khi ở ngôi được 7 năm, nhà vua sai người đi tìm đất để xây dựng sơn lăng cho mình. Quan địa lý Lê Văn Đức đã chọn được chỗ đất tốt thuộc địa phận núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch tạo thành con sông Hương để xây dựng lăng tẩm. Nhưng mãi 14 năm sau vua Minh Mạng mới quyết định cho xây dựng lăng tẩm của mình ở nơi này. Lăng cách Huế 12km.
Lăng Minh Mạng (ảnh chụp năm 1966)
Tháng 4-1840, Vua lên xem lại chỗ đất và đổi tên núi Cẩm Kê thành Hiếu Sơn và gọi tên lăng là Hiếu Lăng. Tháng 9-1840 triều đình huy động 3000 lính và thợ lên san mặt bằng và xây La Thành chung quanh khu vực kiến trúc. Công trình đang xúc tiến thì Minh Mạng lâm bệnh và mất ngày 20-1-1841 (thọ 50 tuổi). Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, một tháng sau đã sai các quan đại thần Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Nguyễn Tri Phương chỉ huy gần 10.000 lính và thợ thi công tiếp công trình theo đúng họa đồ của vua cha để lại. Ngày 20-8-1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chông ở Bửu Thành, tấm bia “Thánh đức thần công” dựng ngày 15-1-1842 nhưng công việc xây lăng mãi đến năm 1843 mới hoàn tất.
Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc qui mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ gồm cung điện, lâu đài, đình tạ… được bố trí cân đối trên một trục dọc theo đường thần đạo dài 700m từ Đại Hồng Môn ở ngoài cùng tới chân tường của La thành sau mộ vua. Hình thể của lăng tựa dáng một người đang nằm nghỉ trong tư thế thoải mái, đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông trước mặt…
Minh Lâu – lăng Minh Mạng
Từ ngoài vào trong, các công trình được phân bố trên ba trục lớn song song với nhau mà đường Thần đạo là trục trung tâm. Các công trình được đối xứng nhau từng cặp qua trục chính xuyên tâm lăng. Mở đầu Thần Đạo là Đại Hồng Môn – cổng chính vào lăng. Cổng có 3 lối đi với 24 mái lô lô cao thấp và các trang trí rất đẹp… được coi là tiêu biểu của loại cổng tam quan đời Nguyễn. Cổng chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào lăng, sau đó đóng kín, ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn.
Đại Hồng Môn – lăng Minh Mạng
Sau Đại Hồng Môn là sân rộng, hai bên có hai hàng tượng quan viên, voi ngựa. Cuối sân là Bi đình năm trên đồi Phụng Thần Sơn, bên trong có bia “Thánh Đức thần công” do vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha. Tiến đến là sân triều lễ được chia làm 4 bậc. Mở đầu cho khu vực tẩm điện (nơi thờ cúng vua) là Hiển Đức Mông; điện Sùng An nằm ở trung tâm thờ bài vị của vua và bà Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu. Hoàng Trạch Môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện và ngát thơm mùi hoa dại. Ba cây cầu Trung đạo (giữa). Tả phụ (trái), Hữu Bật (phải) bắc qua hồ Trừng Minh dẫn du khác đến Minh Lâu (lầu sáng) xây dựng trên quả đồi có tên là Tam Tài Sơn. Tòa nhà có hình vuông, hai tầng, tám mái. Hai bên Minh Lâu về phía sau là hai trụ biểu dựng trên hai quả đồi Bình Sơn và Thành Sơn. Phía sau Minh Lâu là hai vườn hoa hình chữ Thọ đối xứng nhau qua đường Thần đạo.
Lăng Minh Mạng nhìn từ trên cao
Hồ Tân Nguyệt hình trăng non ôm lấy Bửu Thành (thành quanh mộ) hình tròn nằm mở giữa. Qua cầu Thông Minh Chính Trực bắc qua Hồ Tân Nguyệt, có 333 bậc đá thanh dẫn du khách vào thăm nơi yên nghỉ của nhà vua nằm giữa tâm quả đồi mang tên Khai Trạch sơn được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn. Bên cạnh hàng loạt các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao, gần 60 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi đình, Hiển đức môn, điện Sùng An và Minh Lâu cũng là những tuyệt tác giá trị – một bảo tàng thơ chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ XIX…
Lăng vua Minh Mạng trong mưa
Thăm lăng Minh Mạng, du khách ngỡ mình lạc vào không gian của hội họa, thi ca và triết học. Ngoài tính cách đăng đối uy nghiêm, đường bệ, lăng Minh Mạng còn có những nét quyến rũ của thiên nhiên đã được cải tạo để làm bối cảnh cho các công trình kiến trúc.
Theo Lê Văn Phúc (Huế – Di tích lịch sử – Văn hóa – Danh thắng)
Discussion about this post