Huế xưa và nay – Năm 1804, Gia Long cho xây dựng miếu Hoàng Khảo ở vị trí của Thế Miếu ngày nay để thờ cha mình là Nguyễn Phúc Luân. Sau khi vua Gia Long mất, Minh Mạng lên nối ngôi, năm 1821 ông đã cho dời miếu Hoàng Khảo lui về phía sau vài chục mét, đổi thành Hưng Miếu, còn xây Thế Miếu lên vị trí ấy vào năm 1821 – 1822 để thờ vua Gia Long và các vua kế vị.
Thế Miếu được xây dựng trên mặt bằng 1500m2, cũng là tòa nhà kép theo kiểu “trùng thiềm, trùng lương” như Điện Thái Hòa. Tiền Doanh (nhà trước) có 11 gian và chính doanh (nhà sau) có 9 gian. Hai doanh nối nhau bằng trần vỏ cua. Tất cả có chung một đường mà ngăn riêng từng thất – tức cùng một tòa nhà mà chia ra nhiều gian, mỗi gian thiết trí một án thờ dành cho một vị vua.
Thế miếu ngày xưa
Nền Thế Miếu cao, ngày xưa lát gạch men Bát Trành màu vàng và lục. Qua các lần tu sửa trước năm 1975, nền tiền doanh được lát lại bằng gạch hoa tráng men vàng, nền chính doanh tráng xi măng. Các cột kèo, đòn tay, liên ba, đố bản đều sơn thiếp những màu sắc nay đã phai úa đi nhiều… chỉ cso các khám thờ và án thờ còn giữ được màu sơn son thếp vàng. Trước mỗi khám thờ đều treo một bức sáo để che… Bộ mái trước kia lợp ngói ống men vàng (hoàng lưu ly) nay đã thay bằng ngói thường. Trên nóc nhà trước chắp bầu rượu bằng pháp lam ngũ sắc. Các bờ nóc, bờ quyết đều đắp hình rồng nhưng đơn giản…
Nội thất bên trong Thế Miếu
Nội thất Thế Miếu, cho đến giữa thế kỷ này (1954) chỉ có 7 án thờ, mỗi án một gian, các gian thừa để trống:
- Án chánh trung (giữa) thờ vua Gia Long (1802 – 1819).
- Án tả nhất thờ vua Minh Mạng (1820 – 1840).
- Án hữu nhất thờ vua Thiệu Trị ( 1841 – 1847).
- Án tả nhị thờ vua Tự Đức (1848 – 1883).
- Án hữu nhị thờ vua Kiến Phúc (1883 – 1884).
- Án tả tam thờ vua Đồng Khánh (1886 – 1888).
- Án hữu tam thờ vua Khải Định (1916 – 1925).
Ba ông vua Hàm Nghi (1884 – 1885), Thành Thái (1889 – 1907) và Duy Tân (1907 – 1916) có tinh thần chống Pháp bị triều đình Huế liệt vào hạng “xuất đế” nên không được thờ ở đây. Vào tháng 10-1958, ba án thờ của ba vị vua ấy mới được đưa vào thờ chung ở Thế Miếu…
Cửu đỉnh trong sân Thế miếu
Sân Thế Miếu rộng, lát gạch Bát Tràng, riêng thần đạo chạy chính giữa lát đá thanh. Gần thềm miếu có hàng chậu lớn 14 cái. Trong sân đặt hai hàng đế bằng đá thanh dùng để cắm tàng mỗi khi tế lễ. Hai góc sân phía trước có 2 con kỳ lân bằng đồng đứng trong thiết đình. Xung quanh sân và hai bên đều xây bồn gạch để trồng các loại hoa, cây cảnh quí trong đó có một cây tùng hình dáng cổ kính, tương truyền được vua Minh Mạng trồng khi vừa xây xong Thế Miếu vào năm 1822. Cây có dáng dấp uốn éo mềm mại rất đẹp, quen gọi là “cây tùng Thế Miếu”. Phía trước Thế Miếu và sân lễ còn có nhiều công trình nghệ thuật khác: 9 cái đỉnh lớn (cửu đỉnh), Hiển Lâm Các, hai cửa tam quan phụ hai bên Hiển Lâm Các, Tuấn Liệt môn và Sùng Công môn, hai nhà thờ Tả Tùng tự và Hữu Tùng tự thờ các công thần quan trọng nhất của triều Nguyễn và cuối cùng là cửa Tam quan chính đi vào khu vực Thế Miếu. Cửa Tam quan này cũng là một công trình kiến trúc đáng chú ý. Nó là một kiểu cửa đẹp thường gặp ở lối vào các khu vực khác nhau trong Hoàng Thành.
Theo Lê Văn Phúc (Huế – Di tích lịch sử – Văn hóa – Danh thắng
Discussion about this post