Huế xưa và nay – Ðu tiên là một trò vui có gốc gác từ miền Bắc, được du nhập vào Thuận Hóa từ rất sớm. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất tị, năm thứ 8 niên hiệu Ðại Trị đời Trần Dụ Tông (năm 1363 – Tác giả)… mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trái, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng Chạp năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về”. Chuyện này xảy ra chỉ sau khi người Chiêm cắt đất Ô, Lý cho Ðại Việt chưa đầy 60 năm, mà lại thành lệ đến nỗi người Chiêm biết mà phục sẵn chờ bắt người mang về, chứng tỏ trò chơi này rất hấp dẫn dân chúng và được tổ chức thường xuyên ngay từ buổi đầu họ đặt chân đến đây.
Ở nhiều vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đánh đu là một trò chơi phổ biến trong những ngày Tết với rất nhiều loại cây đu và lối chơi đu khác nhau. Song phổ biến nhất vẫn là hình thức đu đôi, vẫn được gọi là đu tiên, gồm một cặp thanh niên nam nữ cùng lên đu so tài. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng như trong câu ca:
Càng nhún càng đẹp, càng đu, càng mềm”
Những cuộc đu tiên ở Huế vẫn được tổ chức cho đến trước năm 1945. Trong các dịp lễ lượt quan trọng, chính phủ Nam triều thường tổ chức các cuộc đu tiên ở trước Phu Văn Lâu để mua vui. Mỗi dịp như thế, người ta thường dựng từ hai đến ba cây đu. Thời này, giá đu đã làm bằng gỗ, rất vững chắc, nhưng cánh đu và đòn đu thì vẫn làm từ những gốc tre đực. Cánh đu và đòn đu liên kết với nhau bằng những đoạn tre đập dập và được bện lại nhằm tăng độ đàn hồi cho đòn đu, giúp động tác nhún mềm mại và uyển chuyển hơn. Giải thưởng trong các cuộc đu lúc này là bằng tiền và người ta không còn treo chiếc khăn hồng cho các tay đu đoạt lấy như trước. Phần lớn các tay đu bấy giờ là nam giới, hiếm khi có nữ giới tham gia, vì phụ nữ Huế lúc ấy đã theo nếp gia phong Nho giáo, khác với phụ nữ thời các chúa Nguyễn, say trò đu tiên đến độ bị người Champa đến rình bắt mà không hay biết. Vì thế mà tính chất lãng mạn, quyến rũ của trò đu tiên đã phôi pha dần.
Ngày nay, trò đu tiên đã được tái hiện trở lại ở một số địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại xã Phong Hòa (huyện Phong Điền) và tại xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) cứ vào dịp Tết Nguyên đán đến, người dân địa phương thường tổ chức đu tiên trong các ngày mồng Ba, mồng Bốn và mồng Năm Tết.
Theo Trần Đức Anh Sơn (Trò chơi và thú tiêu khiền của người Huế)
Discussion about this post