Huế xưa và nay – Trong số 13 ông vua triều Nguyễn, vua Tự Đức là người uyên thâm nhất về nền học vấn Đông phương nhất là nho học. Vua giỏi cả về sử học, triết học, văn học nghệ thuật và đặc biệt là rất sính thơ. Nhà vua đã để lại 600 bài thơ, 1000 bài thơ chữ Hán và gần 100 bài thơ chữ Nôm. Thơ văn nhà vua phản ánh một con người nhân hậu, một tâm hồn đa cảm và một tư chất hâm mộ nghệ thuật. Lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Ông vua thi sĩ Tự Đức đã chọn cho mình một nơi yên nghĩ xứng đáng với ngôi vị của mình, phù hợp với sở thích của một con người lãng tử bậc nhất trong hàng vua chúa triều Nguyễn.
Sau khi chọn xong chỗ đất tốt ở làng Dương Xuân thượng, nhà vua chuẩn định đồ án kiến trúc theo ý muốn của mình, đặt tên cho công trình là Vạn Niên Cơ. Tháng 12/1864, Vạn Niên Cơ khởi công xây dựng. 6000 lính và thợ được huy động đến vùng đồi núi Dương Xuân, vốn nổi tiếng là nơi rừng thiêng nước độc để đào hào đắp lũy xây dựng cung điện , lăng mộ. Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn, trong vòng La thành rộn gần 12 ha, 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ dàn tải thành từng cụm trên những thế đất phức tạ nhưng không có những con đường thẳng tắp đầy góc cạnh như các kiến trúc khác, các lối đi quanh co đã nối các công trình kiến trúc thành một thể thống nhất có mối tương quan và vô cùng gần gũi. Sự sáng tạo của con người đã biến chốn mộ địa thành thiên đường của cỏ cây, thi ca và mộng tưởng.
Các nhà kiến trúc thời Tự Đức đã lợi dụng nguồn nước tự nhiên của một con suối nhỏ để nới rộng, đào sâu, uôn nắn các thế đất tạo nên hồ Lưu Khiêm và đắp thành đảo Tịnh Khiêm thơ mộng Qua khỏi Khiêm Cung môn, du khách bước vào một hệ thống cung điện dành cho vua và đoàn cung nữ tùy tùng.thỉnh thoảng đến ở. Cũng nên nhắc lại rằng Tự Đức làm vua trong bối cảnh xã hội khó khăn, bản thân lại đau ốm, nên dù có đến 103 bà vợ thì vẫn không có con nối dõi. Để trốn tránh cuộc đời khắc nghiệt đó, lăng tẩm này như một Hành cung thứ hai để vua tiêu sầu và phòng lúc ra đi bất chợt. Riêng Minh Khiêm đường luôn giá trị cao về mặt nghệ thuật kiến trúc và trang trí, điện Hòa Khiêm vẫn còn chứa những đồ Ngự dụng và các tác phẩm mĩ thuật đương thời. Có một hành lang bên trong điện dẫn ra vườn nuôi nai của nhà vua. Nếu nhà cửa ở Khiêm cung được làm bằng gỗ thì các công trình ở khu lăng mộ bên kia được làm bằng đá.
Ngay sau Bái đình là Bi đình với tấm bia được làm bằng đá Thanh, nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm cung kí” do nhà vua soạn thảo. Trên bài tường thuật ở tấm bia này, Tự Đức đã khéo léo kể công và nhận tội trước lịch sử. Và tiếp sau tấm bia này, hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng quyền uy và tài đức của nhà vua cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non, đựng nước mưa để linh hồn nhà vua rửa tội thì đúng là Tự Đức thật chu toàn đối với việc đón nhận cái chết. Mới hay, Tự Đức là hiện thân của sự thâm thúy siêu việt của Nho gia. Giờ đây yên nghỉ trong ngôi nhà bằng đá bên trong Bửu thành, hẳn nhà vua đã mãn nguyện với sự lựa chọn dàn xếp cho giấc ngủ của mình…
Discussion about this post