Huế xưa và nay– Thái tử Nguyễn Phúc Đảm, con trai thứ 4 của vua Gia Long được đưa lên ngai vàng đặt niên hiệu Minh Mạng. Minh Mạng là người có nhiều đóng góp đối với công cuộc mở mang đất nước, tái thiết kinh đô, đưa nước Đại Nam vào hàng hùng mạnh nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á thời bấy giờ. Lăng tọa lạc trên một vùng đất tốt ở địa phận núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bãng Lãng, nơi hợp lưu của hai nguồn tả hữu để làm nên con sông Hương thơ mộng.
Mặc dù thế đất được chọn vào năm 1827, nhưng đến tháng 4 năm 1840 mới được vua chuẩn y cho khởi công xây dựng. Công việc tiến hành chưa được bao lâu thì Minh Mạng đột ngột qua đời vào tháng giêng năm 1841. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi và cho thi công tiếp công trình theo đúng họa đồ vua cha để lại. Ngày 20/8/1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu thành nhưng công tác xây lăng mãi đến năm 1843 mới hoàn tất.
Đến thăm lăng Minh Mạng, nhìn hình thể lăng từ dáng một người trong tư thế nằm nghỉ một cách thoải mái. Đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông, hai nửa hồ Trừng Minh như hay cánh tay buông xuôi một cách tự nhiên. Bước vào lăng xen giữa những công trình nhà cửa là hồ nước, hương sen và những quả đồi xanh mướt rừng thông, tạo nên một cảnh sắc hết sức phiêu diêu. Mở đầu Thần đạo là Đại Hồng Môn, được coi là tiêu biểu của cửa Tam quan triều Nguyễn. Cửa này chỉ mở một lần duy nhất khi đưa quan tài của vua vào lăng. Muốn ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng môn và Hữu Hồng môn. Sau Đại Hồng môn là khoảng sân rộng có 2 hàng tượng quan viên, voi ngựa đứng chầu hầu. Cuối sân là Bi đình có bia “Thánh đức thần công” của vua Thiệu Trị, ca ngợi công đức vua cha.
Sân triều lễ xuất hiện ở khu vực này xác định lăng vua là một hành cung thu nhỏ, đồng thời tạo cho du khách cảm giác nhẹ nhõm không bị choáng ngợp bởi kiến trúc lăng. 3 cây cầu Tả Phù, Hữu Bậc, Trung Đạo bắc qua hồ Trừng Minh dẫn du khách đến Minh Lâu, nơi nhà vua suy tư vào những đêm hè trăng thanh gió mát, là nơi đi về của linh hồn tiên đế khi người đã cưỡi hạc quy tiên. Hồ Tân Nguyệt như một vầng trăng non, ôm lấy Bửu thành, nơi bắt đầu của thế giới vô biên. Du khách đã bước vào nơi yên nghỉ của nhà vua, lặng đi trong sự liên tưởng những vòng tròn đồng tâm như khát vọng muốn mãi mãi làm bá chủ giang sơn của ông vua đang ở độ tuổi sung mãn, thành công nhất triều Nguyễn. Bên cạnh những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ cao, gần 600 ô chữ được chạm khắc các bài thơ đã là những tuyệt tác vô giá. Đó là bảo tàng thơ chọn lọc của nên thi ca Việt Nam đầu thế kỉ 19, là nơi phô bày tri thức, trí tuệ và tình cảm của người xưa.
Thăm lăng Minh Mạng cứ ngỡ mình đã lạc vào thế giới của hội họa, thi ca và triết học. Sự uy nghi, nét tĩnh tại của kiến trúc và khung cảnh gợi tình của thiên nhiên sẽ hiện tính cách nghiêm khắc và tri thức uyên bác của nhà vua. Bậc đế vương anh minh đó đã yên giấc ngàn thu ở chốn thiên đường của trần gian, suốt giấc ngủ muôn thởu của mình, quanh ông đầy tiếng chim rừng đua hót và muôn vàn loài hoa đưa hương ở nơi có tên gọi Hiếu lăng.
Discussion about this post